Nhân danh tình yêu
Chương 18
Cô đã trải qua mùa đông một mình. Buổi thịnh điển năm nay không có Anlima bầu bạn, nhưng những tin tức về nàng vẫn vang vọng khắp đại lục. Cảm giác như nàng vẫn còn bên cạnh mình, dù cho không thể gặp mặt. Piranda không biết Anlima đã thưởng thức buổi thịnh điển ở tòa thánh Vatican như thế nào, nhưng ắt hẳn là rất tưng bừng nhỉ? Cũng rúng động như khi Thần điện và Thánh điện nhật được tin tức công bố vậy.
Piranda chỉ mong Anlima có thể ăn no trong tình huống bị vây chặt, đừng để bụng đói.
Dựa theo cách mà Sandalphin đã dạy, năm tới, cô sẽ dùng phong thái của người thắng thông năm trận để trở thành một thánh kị sĩ chính thức.
Có lẽ vì có vài thánh kị sĩ đã thấy quan hệ giữa cô và Anlima nên đội trưởng chấp nhận để cô tham gia vào đội. Lần đầu tiên Piranda tham gia huấn luyện đoàn thể, làm nhiệm vụ đoàn thể, đủ thứ loại hoạt động đoàn thể, dù điều đó không làm ngắn đi khoảng cách giữa cô và các thánh kị sĩ khác, nhưng chí ít cũng giúp bản thân cảm thấy không quá cô đơn.
Qua khoảng cách vi diệu, cô nhớ mong Anlima. Cách mấy tháng mới nhận được tin của người ấy. Khi thư từ qua lại, cô để ý thấy chữ viết của Anlima càng ngày càng thần bí, phác họa như thể trừu tượng. Có chăng là do học cách nói chuyện của một Đại tư tế chăng? Nhưng điều đó cũng không khiến khoảng cách giữa hai người bị nới rộng. Cô có thể tìm được cảm giác quen thuộc qua con chữ, cảm thấy vui vì Anlima ngày một gần ngưỡng thần.
Vì có Anlima, Thần điện luôn có nhiều tín đồ ghé thăm, hoặc có cả các tư tế mới lựa chọn nơi đây để rửa tội. Đây gần như là truyền thống, nếu Thần điện nào sản sinh ra một Đại tư tế thì sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, người thầy đã từng dạy dỗ họ cũng sẽ được vinh quang. Bởi vậy Aphra trở thành người có uy quyền nhất Thần điện, không ít tư tế mới muốn xin bà làm thầy của mình, sau đó sợ rồi bỏ chạy trước sự huấn luyện nghiêm khắc.
“Đám trẻ bây giờ ngày càng bỏ đi.”
Aphra thường nói câu này. Thật lòng, Piranda cảm thấy do Anlima có thể chịu được áp lực cao, cộng thêm thiên phú và biết làm nũng mới chịu nổi.
Năm thứ hai, tòa thánh Vatican cho mời, Aphra đại diện Thần điện đến. Bà có thể chọn vài thánh kị sĩ làm người hộ giá. Thánh điện ai nấy đều nghĩ Piranda sẽ được chọn, nhưng không. Mặc dù Piranda đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng vẫn thấy tiếc nuối. Dù sao Anlima cũng đã nói trong vòng năm năm, tốt nhất là mình không nên xuất hiện trước mặt nàng. Ít nhất phải đợi năm năm sau mới có thể gặp lại.
Mà Aphra đích thân đến tìm cô để giải thích rõ, nguyên nhân chắc cũng dễ đoán – sợ Piranda vừa lướt qua thôi là Anlima sẽ vứt luôn chuyện học hành ra sau đầu, chỉ chăm chăm dính lấy cô.
Căn cứ vào chuyện đã từng xảy ra, Piranda có thể tưởng tượng ra cảnh tượng ấy. Cô nhờ Aphra đưa thư tay hàng tháng sớm cho Anlima. Vì không cần lo thư nặng mất nhiều phí ký gửi nên Piranda quyết định viết thật nhiều. Nhưng ngẫm lại thì cứ viết dạng nhật ký là được rồi, để Anlima biết khi nàng không có ở đây thì Thánh điện và Thần điện đã xảy ra những chuyện gì.
Aphra không nói không rằng, chỉ nhận lấy ba quyển nhật ký rồi bỏ vào trong túi xách.
Anlima nhận được nhật ký xong có vẻ rất vui. Nhưng tránh kích động đến mức viết quá nhiều hồi âm khiến Aphra cưỡng chế tịch thu, nàng phải ra vẻ đứng đắn viết thư một cách bình thường, song lại kẹp hoa khô vào giữa trang để làm kẹp sách. Khi nhận được, Piranda có thể ngửi được mùi hương nơi đây.
Năm thứ ba trôi qua rất yên ả, không có chuyện gì xảy ra, cô vẫn là thánh kị sĩ cấp thấp nhất.
Thánh kị sĩ ít phân hóa các cấp, cho nên sát hạch thăng cấp rất chênh lệch. Cô từng xin nghỉ để đi xem người ta thi đấu sát hạch, cực kỳ chấn động, cảm giác như việc thăng cấp thật sự rất khó khăn. Không phải cứ học mấy chiêu là có thể may mắn thăng cấp mà phải trải qua huấn luyện và thử thách mới luyện được bản lĩnh.
Piranda đến nay vẫn chỉ ra ngoài làm nhiệm vụ đoàn đội, điều này chứng minh cô vẫn chưa có khả năng tự hoàn thành nhiệm vụ một mình, chứ đừng nói đến việc tham gia thăng cấp. Cuối cùng cô cũng hiểu vì sao ai đó được nhận nhiệm vụ một mình, họ luôn rất vui, vốn tưởng do được nhận nhiều tiền, thì ra đó là sự công nhận về thực lực.
Cô quyết định mục tiêu chủ yếu gần nhất của mình là làm sao để được làm nhiệm vụ một mình.
Nhưng đến năm thứ tư, Piranda vẫn cảm thấy khó khăn khi làm nhiệm vụ đoàn đội.
Nhiệm vụ chủ yếu nhất của thánh kị sĩ là thanh trừ ma chướng bên trong ma vật, nếu chỗ ấy có cả ma thú thì nó cũng sẽ dễ bị lây nhiễm tà khí. Khi tà khí hợp thành lượng lớn chắc chắn sẽ biến đổi thành nơi thích hợp cho chúng sinh tồn, chính là ma chướng – nơi mà toàn bộ sinh linh đều không sống được. Nếu muốn thay đổi ngược trở thì trước hết, các thánh kị sĩ phải tiêu diệt ma thú, rồi phái tư tế đến để tịnh hóa.
Vậy nên tư tế và thánh kị sĩ đều quan trọng như nhau, nhưng đều không quan trọng bằng Đại tư tế.
Tốc độ xâm lấn của ma chướng liên quan đến sức mạnh tinh thần của Đại tư tế. Đại tư tế có thể điều khiển toàn bộ màn chắn trong thế giới tự nhiên để chống lại sự xâm nhập của ma chướng, như là mượn thần lực để phát huy, bảo vệ toàn bộ thế giới. Nếu mất đi Đại tư tế, mọi người chỉ có thể tuyệt vọng nhìn xung quanh bị tà khí nuốt trọn, cho dù có thêm nhiều thánh kị sĩ và tư tế hơn cũng vô dụng. Vì tà khí ô nhiễm cực kỳ nhanh chóng, chúng ta không thể ảo tưởng dùng hòn đá nhỏ ven đường để chặn miệng suối. Càng cố ngăn thì càng lan tràn, tất cả đều bị nước suối cuốn đi, chỉ tốn công vô ích.
Cho nên Đại tư tế rất quan trọng, sự tồn tại của người này như một tảng đá lớn chặn đứng miệng suối, cản nước tràn ra. Cho dù đá có vỡ có mòn thì cũng chỉ cần lấp cát lấp đá vào tạm thời tu bổ lỗ hổng, lỗ hổng ấy sẽ tự lành lại theo thời gian.
Piranda biết mình là cát đá, còn Anlima lại là tảng đá lớn. Cô mong mình mau chóng trở thành một hòn đá nhỏ có thể đến gần tảng đá, nhưng lần nào tôi luyện cũng phải đánh cược cả mạng sống, làm nhiệm vụ thì phải cược vào may rủi. Đôi khi phải đối phó với ma vật không mạnh, nhưng tốc độ di chuyển của chúng quá nhanh, khó lòng tiêu diệt; có khi phải đối đầu với ma vật quá mạnh, phải phối hợp lại mới diệt được. Đã nhiều lần Piranda đánh đến toát cả mồ hôi lạnh.
Hình như cô đã hiểu lý do các thánh kị sĩ lại rất khinh thường tư tế có mức thưởng thấp. Dù sao họ làm nhiệm vụ cũng phải liều mạng, mà các tư tế chỉ cần đến nơi họ đã tiêu diệt ma vật để tịnh hóa, không biết cảm giác được trở về hạnh phúc nhường nào. Nhưng Piranda sẽ không nói gì. Dù sao chấp nhận đi trên con đường này cũng là do sự lựa chọn của chính mình.
Mặc dù vận mệnh của cô đã vạch sẵn hai con đường, mấy năm khốn khó kia có biết bao ngã rẽ, nhưng Piranda vẫn muốn kiên trì trở thành một thánh kị sĩ được mọi người kính yêu, hoặc nhận được vinh dự được đổi tên.
Cô muốn trở thành Thánh thập tự quân.
Mặc dù khi thật sự bước trên con đường thánh kị sĩ mới biết nó gian truân đến nhường nào, nhưng cũng vì thế mà cô càng thầm khâm phục sự dũng cảm quả quyết của Sandalphin và Eliade.
Nên lần nào làm nhiệm vụ đều rất sợ không thể về được Thánh điện, Piranda cũng sẽ kiên trì đối mặt, lần lượt kinh qua bao lần chết đi sống lại, thấy đồng đội bên cạnh đến rồi lại đi. Có người không chịu được áp lực nên quyết định từ chức. Có người do bị thương nên phải chóng rời đội. Cô dần thấm thía một cảm giác chết lặng khác, đó là sinh mệnh vô thường.
Nhưng vẫn phải kiên trì.
Piranda biết mình chỉ có mỗi con đường này để đi.
Nên một lần nọ, khi nhận nhiệm vụ thanh lọc nào đó, cô phát hiện mình đã được khiêng về Thánh điện… Mà Aphra lại ngồi bên giường cô, không biết nên nói gì.
Piranda vừa nhúc nhích một chút đã phát hiện chỗ lạ.
Chân trái của cô, từ đầu gối trở xuống đã biến mất.
Trong đầu mường tượng lại cảnh tượng cuối cùng. Một con ma thú lao ra từ lòng đất, dù cô có phản ứng nhanh chóng, tránh đi, đội trưởng bên cạnh cũng kéo cô, nhưng chân cô vẫn bị ngoạm một phát, bị ma thú hất lên. Sau khi bị cắn đứt chân, cô bay vụt đi, đụng vào thân cây rồi hôn mê.
Đầu Piranda hỗn loạn.
Nhưng cô chỉ nói với Aphra một câu.
“Đừng nói cho em ấy biết.”