Chương 1: Giấc mộng thiếu nữ
‘Quý nàng như ngọc đẹp, kính nàng như trăng sáng’.
Mùa xuân ở Tây Kinh thật đẹp, liễu xanh đào hồng, non nước dưới ngòi bút họa sư trở thành bức tranh thái bình bao người mong ước.
Họa mi với bộ lông đẹp đẽ đứng tréo chân trên ngọn cây. Tầng mây trắng bong, trời xanh như được gột. Tất cả những sự đẹp đẽ, thanh tú, bao la, hùng vĩ nhất của thế gian như lũ lượt kéo đến.
Sáng tinh mơ, tiếng chuông đầu tiên vang lên nơi lầu thành, vạn vật sống động như nước chảy, quang cảnh hệt như một bức tranh cuộn đang được trải ra từ từ.
Tường thành cao, xa và ngói nhà thấp, sụp, những người tất bật với kế sinh nhai, cùng đám thiếu niên phục sức sang trọng.
Nhà ai đón dâu mới, nhà ai kéo đàn hát ca, chúng sinh với sắc thái phong phú đều xuất hiện trong một bức họa, muôn hình muôn vẻ, vừa giống mà vừa khác.
Mùa xuân này mới đẹp sao, nhân gian này mới yên bình sao! Chỉ là, tiếc thay, Thôi Đề lại không thể nhìn thấy.
Vì Thôi Đề là một người mù.
Trên danh nghĩa thì nàng là con gái của Tây Ninh Bá, nhưng thực chất, nàng chỉ là một kẻ đáng thương bị người ta bàn tán, xem thường, gần như vô hình.
Nơi viện phụ cũ nát, vàng anh hót, liễu xanh xanh, ống khói tỏa khói trắng, Thôi Đề chìm vào một giấc mơ rất dài, rất dài…
Trong giấc mơ, nàng vẫn là con gái lớn của Thôi gia. Từ nhỏ, hai mắt nàng đã mù, cha không thương, mẹ không yêu, bị ghẻ lạnh, bị cười nhạo. Bên trong phủ, đến một hạ nhân cũng dám xem thường nàng.
Họ khinh nàng là kẻ mù, thích tạo chướng ngại lúc nàng đi qua mỗi ngày, nhìn nàng té ngã, rồi lại nhìn nàng đứng lên, sau đó trốn vào chỗ tối, ôm bụng cười to.
Nàng bị chèn ép đến bật khóc không chỉ một lần, khóc xong lại lau nước mắt tự nhủ là không được khóc. Nàng khóc làm gì?
Sẽ chẳng ai thấy đau lòng.
Nhưng mà, sau đó, lại có người đau lòng.
Người đau nàng chính là đứa con trai trưởng tiền đồ xán lạn của Bùi gia – Bùi Tuyên.
Trong lúc nàng chán nản, bất lực nhất, Bùi Tuyên đã cho nàng sự tôn trọng lớn nhất kiếp người. Hắn đã cho kiệu lớn tám người khiêng đến đón nàng vào cửa, cho nàng vị trí chính thê, hứa với nàng một đời đầu bạc.
Hắn sẵn lòng đỡ lấy nàng, che chở cho nàng, sẽ đỡ nàng đúng lúc trước khi nàng té ngã, kiên trì tách những mảnh xương cá nhỏ cho nàng. Vì nàng, hắn sẽ trách tội hạ nhân vô lễ, ngâm những lời lãng mạn, gió trăng. Hắn sẽ ôm nàng, thỉnh thoảng lại hôn nàng, cũng không trách cứ hay xem thường nàng.
Ai cũng xem nàng như một mảnh ngói vụn mẻ góc, chỉ có hắn, là quý nàng như ngọc đẹp, kính nàng như trăng sáng.
Thôi Đề rất hài lòng với hôn sự này, hài lòng đến nỗi dù biết rõ có là mơ cũng không muốn tỉnh lại.
Nàng muốn báo đáp hắn, dù mọi thứ đều là giả, là ‘hoa trong gương, trăng dưới nước’, thì nàng cũng muốn báo đáp.
Chỉ nực cười là, trong giấc mơ, nàng cũng là người mù.
Là một người mù, việc nàng làm được rất hữu hạn. Vậy nên, sau khi ‘xuất giá’, nàng buông bỏ sự dè dặt, một lòng mong sẽ sinh con dưỡng cái cho Bùi Tuyên, để có thể báo đáp thật tốt ơn chăm sóc của hắn.
Vậy mà, Bùi Tuyên trước sau vẫn không chịu viên phòng với nàng.
Trong giấc mơ, Bùi Tuyên buồn bã đến mức nuốt không trôi, từ từ gầy đi.
Trong nhà ngói, nha hoàn của Thôi Đề, Bạch Cáp, đang nóng nảy đến rối tung.
Nàng ấy không ngừng dùng khăn lông ướt lau trên trán, trên mặt cho cô nương, nhưng nàng ấy vẫn lo lắng vì cơn sốt này không hề lùi đi. Cô nương đã mang tiếng người mù rồi, chẳng phải bị sốt đến hỏng đầu nữa sẽ thêm tiếng ngu si sao?
Miệng nàng lẩm bẩm những lời cầu xin ông bà, chỉ mong thần linh trên trời sẽ nhìn thấy cảnh đời thảm thương của chủ tử mình, nhìn thấy một người mù như nàng đã khó nhọc sống qua ngày ra sao, thấy tấm lòng thiện lương của nàng, thấy những khổ cực, uất ức mà nàng đã chịu, đã phải nín nhịn bao năm nay.
Người ta bảo ‘ở hiền gặp lành’, vậy cô nương nhà nàng phải là người nên ‘gặp lành’ nhất!
Vì sao xui xẻo cứ luôn không chịu buông tha cô nương? Vì sao hết lần này đến lần khác, đau khổ cứ quấn lấy cô nương?
Đều là cốt nhục Bá gia, nhưng chỉ vì hai mắt bị mù mà chủ tử trở thành nghiệt chủng không được gặp người. Bạch Cáp cắn răng, vành mắt rưng rưng: “Cô nương, người nhất định phải cố lên, nô vẫn đang đợi người vươn lên đây!”
Mặt trời ngả về Tây.
Bạch Cáp hầu hạ suốt đêm, rồi lại thêm một buổi sáng, nàng ấy không chịu được mà loạng choạng ngã vào giường cỏ, thiếp đi.
Cỏ trên giường vang tiếng chuyển động khiến Bạch Cáp thức dậy. Nhìn thấy Thôi Đề với sắc mặt tái nhợt và đầu đầy mồ hôi nằm đó, nàng ấy vừa mừng vừa sợ: “Cô nương? Người đã vượt qua được rồi sao? Tốt quá rồi, tốt quá rồi! Cô nương, hu hu hu…”
Nàng ấy che mặt khóc thành tiếng: “Người có thể gượng qua được rồi! Nô cứ tưởng, cứ tưởng… Người hù chết nô rồi!”
Cảnh trong mơ quá dài, Thôi Đề cần một ít thời gian để tỉnh dậy, chưa kể trong mơ Thôi Đề không chỉ lập gia đình, mà cuối cùng nàng còn bị đẩy xuống hồ sen, chết đuối.
Lúc sắp chết, nàng còn cẩn thận suy nghĩ một chuyện: Tuy Bùi Tuyên thương nàng, tiếc nàng, nhưng hắn không hề yêu nàng.
Quên đi thôi.
Giấc mơ này thật là kỳ lạ. Thú vị hơn, nàng không chỉ đơn giản là mơ thấy có người đau mình, bảo vệ mình, kính trọng mình, thương xót, và cưới mình, mà còn mơ thấy có thần tiên cưỡi hạc đến, giúp nàng mở linh nhãn.
Nàng muốn được nhìn, muốn đến điên rồi!
“Cô nương, sao người còn cười được nữa? Hôm qua người đã rơi xuống nước, lúc được cứu về đã phát sốt rất nghiêm trọng. Đám nô tài Bắc viện càn rỡ quá rồi, lần này chúng ta không thể cứ bỏ qua như vậy!”
“Nô tài Bắc viện?”
“Đúng ạ!”
Thấy đầu óc nàng vẫn chưa tỉnh táo lắm, Bạch Cáp bình ổn lại hơi thở: “Bọn nô tài Bắc viện cắt xén khẩu phần lương thực của chúng ta, nô giận giữ tranh cãi với chúng, kết quả chúng còn to gan hơn, dám ra tay với cô nương. Người rơi xuống nước, cơ thể nhiễm lạnh, trở về không bao lâu thì bắt đầu sốt…”
Thấy biểu cảm của Thôi Đề không bình thường, nàng ấy hoảng hốt một phen: “Cô nương, Bạch Cáp rất nhát gan, cô nương tuyệt đối đừng dọa nô…”
Đúng là chuyện xảy ra trong mộng sao?
Trong giấc mơ, nàng bị người Bắc viện hiếp đáp, ngã xuống ao cá chép ở hậu viện, ướt đẫm cả người, là Bạch Cáp đã cứu nàng lên. Lúc về lại chỗ ở, nàng bắt đầu sốt cao, suýt thì toi mạng.
Sau đó, Thôi Đại làm bộ làm tịch đến thăm nàng, nói là đến xin lỗi, lại tiến tới cho Bạch Cáp một cái tát. Nàng ra mặt vì Bạch Cáp, lại bị cha chạy đến quở trách một trận, bị bỏ đói cả hai ngày.
Vậy đó là mơ, hay không phải mơ? Nếu như là mơ, vì sao thần tiên đã mở linh nhãn cho nàng rồi mà nàng vẫn không nhìn thấy? Còn nếu là không phải, thì phải giải thích tất cả những chuyện xảy ra trong mơ thế nào đây?
“Cô nương? Cô nương?”
“Ta đây.”
Giọng Bạch Cáp nghẹn ngào: “Cô nương, nô sẽ gom góp tìm một đại phu tốt cho người, người đừng lo lắng! Người chỉ bị tổn thương đầu óc, cuối cùng cũng sẽ khỏe lại thôi!”
“Ngươi đang nghĩ gì vậy?” Thôi Đề thử thăm dò, vươn tay ra, muốn chạm vào mặt nàng ấy, kết quả nàng thứ nàng chạm được không phải mặt, mà là vai của Bạch Cáp. Nàng nhấn vai nàng ấy xuống: “Đợi đi, ta cần xác nhận một chuyện.”
“Chuyện gì ạ?”
“Ngày mai ngươi sẽ biết.”
Nàng vừa mở mắt, rồi lại nhắm mắt, là ngày mai đã đến.
Bạch Cáp phát hiện ra, sau khi cô nương rơi xuống nước rồi tỉnh lại, thì cứ nhìn mãi vào một chỗ mà đờ ra. Vốn dĩ cô nương đã thích đờ ra, bây giờ căn bệnh đó lại càng nghiêm trọng.
Nàng ấy thấy sốt ruột, chỉ trong thời gian một chén trà mà nàng ấy đã đếm đi đếm lại số tiền được giấu trong ống trúc đến ba lần! Nàng ấy muốn tìm cho cô nương một đại phu tốt để khám đầu óc, chút tiền này thật sự không đủ!
Nàng ấy thầm thương cho Thôi Đề.
Ngoài mặt, Thôi Đề là thiên kim Bá gia, nhưng tất cả người người trong phủ đều biết, thiên kim thật sự không phải nàng, mà là muội muội của nàng – Thôi Đại.
Thôi Đại đứng hàng thứ ba, là con gái nhỏ tuổi nhất của phu nhân, năm nay mười bốn, tính tình nhõng nhẽo lại ngang ngược. Nàng ta ở trong Bắc viện nguy nga lộng lẫy, ‘chủ nào tớ nấy’, ai ở Bắc viện cũng không phải đèn cạn dầu.
“Đến rồi.”
“Cái gì đến ạ?”
Thôi Đề ngồi thẳng lại: “Ngươi giúp ta xem thử, có phải tam muội ta đến không?”
Thôi Đại?
Bạch Cáp giật mình, vội vã nhìn dáo dác ra bên ngoài cửa.
Không lâu sau khi dùng xong điểm tâm, biết được hôm trước ả mù trong nhà ngói nát rơi xuống nước, Thôi Đại ‘tốt bụng’ dẫn một đám hạ nhân hóng chuyện đi nghênh ngang đến.
Đến cửa phòng rồi, nàng ta ghét bỏ mà phẫy tay: “Cái mùi gì vậy? Sao lại thối như thế?”
Đám hạ nhân tinh ý, chưa chào hỏi đã xông vào tiểu viện, nhìn hết xung quanh: “Bẩm tam cô nương, là phân thỏ ạ!”
Nghe bảo là phân thỏ, Thôi Đại khom lưng muốn nôn: “Thật là người nào thì mùi đó! Mà thôi, nể tình nàng ta rơi xuống nước, ta phải cố mà đi vào vậy!”
Phân thỏ là thứ được dùng để bón vào đất, trồng rau – Thôi Đề mù, đặc biệt thính tai, trí nhớ cũng không tệ.
Trong giấc mơ, những lời Thôi Đại nói không khác ban nãy chút nào. Sau đó, nàng ta vẫn không chịu được mùi phân thỏ, sai người giết chết bầy thỏ mà nàng nuôi.
Nàng mù mịt nghĩ: Thì ra trong mộng không phải mộng, đó là chuyện nàng đã trải qua kiếp trước.
Vậy vì sao nàng lại trở về?
Là vì nàng đã chết trong hồ sen à?
Nàng chết, Bùi Tuyên có rơi lệ vì nàng không? Hay là, kiếp này vẫn sẽ có Bùi Tuyên chứ?
Nàng bị giam trong tiểu viện này quanh năm, không biết việc đời ra sao, không biết Tây Kinh có Bùi gia lừng lẫy không. Vừa nghĩ đến việc Bùi Tuyên kia không tồn tại, vị phu quân mà nàng được thưởng cho trong mơ là không có thật, trái tim Thôi Đề bỗng nhói đau.
“Đại tỷ, tỷ đang nghĩ gì vậy? Sao sắc mặt lại kém thế?”
Thôi Đại luôn coi thường ả mù này. Cha không thích nàng, nương cũng không muốn gặp, từ khi nàng ta bắt đầu ghi nhớ được, bên cạnh đã luôn có người nhắc nàng ta phải tránh xa ả mù ra, tránh bị lây vận rủi.
Trước mười tuổi, nàng ta cho lời này là thật, sợ sẽ khiến mình bị ô uế. Nhưng, sau mười tuổi, được trải niềm vui khi hành hạ người khác rồi, nàng ta đã không thể cản mình nữa.
Dù sao thì nàng ta có giết ả mù thì cha và mẹ cũng không để ý.
“Không phải chỉ là mấy túi gạo thôi sao? Vậy cũng đáng để đại tỷ tỷ so đo với muội à? Đây này, hôm nay muội mang gạo đến cho tỷ, tiện thể nhận lỗi với tỷ!”
Nàng ta mở miệng túi, tiện tay vốc một nắm gạo trắng, gạo len qua kẽ tay như cát chảy, rơi xuống đất.
Thiếu nữ tặc lưỡi mấy lần, vừa hồn nhiên vừa độc ác: “Đại tỷ tỷ, tỷ nhìn thử đi, nhiêu đây thì tỷ sống được mấy ngày?” Rồi nàng ta vờ ‘ôi’ một tiếng: “Sao mà ta lại quên mất, rằng đại tỷ tỷ là một người mù, không thấy được nhỉ?”
“Ngươi!”
“Bạch Cáp, câm miệng!”
Nàng đã dạy dỗ Bạch Cáp trước Thôi Đại. Nàng ta phất tay áo hừ lạnh, không định tính toán với một nha hoàn hèn mọn, chẳng qua nàng ta vẫn vung tay lên, nô tài hèn mọn bị người ta kéo sang một bên.
“Tam muội muội, ta không tiễn.”
“Ai cần ngươi tiễn? Một ả mù, ngươi tự lo cho mình trước đi, tránh để ngày nào đó ngã xuống hồ nước, chết như thế nào cũng không biết!”
Nàng ta cố gắng đợi một lát mà không thấy được lửa giận của đối phương, thậm chí nha hoàn kia cũng đanh mặt không tỏ thái độ gì, thế là Thôi Đại tự giác đâm chán: “Chúng ta đi!”
Người Bắc viện kéo nhau đi khỏi, Bạch Cáp không nhịn được mà oán: “Cô nương! Người ngăn nô làm gì? Lời nàng ta quá đáng như vậy…”
“Đúng là rất quá đáng.”
Thôi Đề mệt mỏi hỏi: “Nhưng chúng ta có thể làm gì chứ?”
Ở kiếp trước, lời vì giận quá mà phát ra của Bách Cáp đã dẫn đến một cái tát. Nàng lại giận dữ ra mặt thay nàng ấy, bị cha bắt được, bị phạt bỏ đói hai ngày.
Nàng và Bạch Cáp chịu hết hai ngày, bụng đói đến mắt hoa cả lên, chật vật kéo cơ thể mềm nhũn trở lại phòng.
Sau lưng họ là những trận cười cợt chưa từng tỏ ý kiêng kỵ, có rất nhiều người châm chọc nàng mù mắt nên đầu cũng mù theo, suy nghĩ viển vông, thật sự xem mình là chủ tử.
Kiếp này, nàng không muốn đi lên vết xe đổ.
Thôi Đề ngồi xuống cái ghế dài đã nhiều năm rồi chưa được tu sửa. Ghế rất sạch sẽ, nhưng lại không đủ chắc, nàng ngồi xuống thì nó cứ lung lay.
Nàng còn biết, lát nữa, Bạch Cáp cũng sẽ đến ngồi, gục đầu oán giận chung với nàng. Sau đó, ‘người bạn lâu năm’ là cái ghế đã gắn bó với các nàng nhiều năm này, cũng sẽ không chịu nổi gánh nặng mà gãy mất.
“Ngươi ngồi ghế vuông đi.”
Chân Bạch Cách khựng lại, nàng ấy kinh ngạc tự hỏi sao cô nương biết mình muốn đi đến ngồi.
Nàng ấy nghe theo, ngồi vào ghế đối diện, hai vai sụp xuống: “Cô nương, chúng ta không để để bị ức hiếp mãi được, còn bị ức hiếp nữa thì chủ tớ chúng ta sống tiếp thế nào đây?”
“Ta biết rồi, ta đang nghĩ cách, ngươi đừng làm ồn.”
Bạch Cáp liếc nàng, không biết làm sao, không tin là chủ tử có thể nghĩ được cách gì.
Nắng sớm tươi đẹp, tháng năm mông lung.
Nàng đã gặp Bùi Tuyên lúc nào vậy?
Là khi mưa Xuân tạnh, có con diều bay qua đầu tường.
Rồi một người ngã từ đầu tường xuống, lúc ngã thì ‘ui da’ một tiếng, âm sắc thật nhẹ nhàng, nhưng không biết đã bắt đầu cho giấc mộng thiếu nữ của bao nhiêu cô nương.