Chương 3: Thiếu niên lang
Mùng ba tháng Ba, ngày xuân rực rỡ, chim khách đậu lại cành cây, lộ ra cái đầu nhỏ tròn tròn, mở to đôi mắt lớn chừng hạt đậu xanh nhìn vị lang quân tuấn tú nhưng lại ngốc nghếch đến độ có thể rơi từ đầu tường xuống.
Bùi Tuyên mãi mãi không quên được cảm giác tim đập thình thịch trong ngày xuân này. Ngay thời khắc nàng ấy ngẩng đầu, tất cả âm thanh, màu sắc, rồi hình ảnh xung quanh như lũ lượt rút đi hết, và người đã âm thầm gõ mở cánh cửa trái tim nàng ấy là cô nương mặc y phục đỏ tươi ngồi trên thềm đá.
Chân cô nương này mang giày thêu đã cũ, đôi chân mảnh nhỏ, gầy trơ xương, tóc đen được búi lên bằng một cây trâm gỗ lê, cảm giác dịu dàng lặng lẽ lan ra, không phải chỉ là vẻ đẹp bề ngoài, mà len lỏi rất sâu, khiến người ta thấy bình yên, thoải mái hơn.
Bùi Tuyên nhìn mà ngây ngẩn.
Sau đó, nàng ấy nhìn thấy, cô nương kia nở nụ cười.
Nàng cười rất nhạt, rất dịu dàng, khóe môi hơi nhếch lên. Bùi Tuyên đứng đó, mắt nóng lên.
Hai người cứ ở đó, ‘trình diễn’ một màn ‘chớp mắt đã ngàn năm’, hệt như xung quanh không người. Bạch Cáp đứng hầu sau lưng Thôi Đề buồn bực muốn mắng người. Cái tên này là ai vậy?
Trèo lên tường như kẻ trộm, lại ngu ngốc rơi từ bờ tường xuống. Hắn ngã xuống rồi, không bị bổ chửng, thì chẳng biết cảm ơn, mà còn cả gan nhìn chằm chằm cô nương nhà nàng ấy. Hắn chưa từng nghe câu ‘khiếm nhã, không được nhìn’ à?
Cô nương cũng thật là!
Đêm qua có mưa, bây giờ lại bảo nàng trải chiếu cạnh chân tường. Người là Thần Toán Tử đấy à?
Thử nghĩ xem, đang yên đang lành, bản thân ngồi trong sân, thì tự dưng có người rơi từ bờ tường xuống. Chưa nói đến việc họ đẹp hay xấu, nhưng ít nhất mình cũng khó tránh việc bị dọa mà hét lên, vậy mà cô nương lại im lặng, còn cười được nữa?
Huyệt Thái dương của Bạch Cáp giật giật.
Nói thật thì nàng ấy cảm thấy, hai người này, ít nhiều gì cũng có chỗ không bình thường!
Ánh mắt nàng ấy nhìn Bùi Tuyên có gì đó rất kỳ lạ, hệt như đang phòng trộm. Nhưng ngại vì trước đó Thôi Đề đã không cho nàng ấy lên tiếng, nên nàng ấy nuốt lời quát hỏi đã đến miệng xuống.
“Cô nương hữu lễ. Tiểu sinh mạo phạm rồi.”
Bùi Tuyên cúi người, chắp tay thi lễ, trên lớp áo lót màu trắng hoa lê điểm xuyết hoa lê trắng rơi từ đầu xuống, dịu dàng mà đẹp đẽ.
Bạch Cáp thầm ‘ôi’ một tiếng, lặng lẽ che mắt lại: Dáng vẻ còn rất đẹp nữa? Nếu hái hoa tặc cũng có bề ngoài thế này, thì còn lo gì không ‘hái được hoa’?
Thôi Đề không nhìn thấy nàng ấy, chỉ quay qua ‘nhìn’ theo nguồn gốc âm thanh, nét cười nhẹ nhàng.
Nàng không nói gì, Bùi Tuyên không biết phải làm gì để giảm căng thẳng, những kẽ tay đẫm mồ hôi. Nàng ấy khom lưng, hành lễ với nàng lần nữa: “Xin đa tạ cô nương, không có cái chiếu này, có khi tiểu sinh đã bị thương rồi.”
Thôi Đề gật đầu: Chuyện này không sai.
Kiếp trước, Bách Cáp đã la thất thanh, dọa đến mức người này ngã xuống rồi bị thương cổ tay trái.
Người khác bị thương tay trái không ảnh hưởng nhiều, chăm sóc là được rồi, nhưng xưa nay Bùi Tuyên nổi danh vì tài viết chữ bằng tay trái, vết thương chưa lành đã phải tham gia thi Đình, vậy mà cố sao bệ hạ cung vàng điện ngọc còn hào hứng muốn xem nét chữ bằng tay trái của hắn.
Bùi Tuyên miễn cưỡng làm theo, chữ không được đẹp như thường ngày, nên vị trí Trạng nguyên vốn dĩ đã thuộc về hắn lại đổi thành Thám hoa.
Đây là chuyện nuối tiếc Bùi Tuyên giấu sâu trong lòng, cũng là chuyện khiến nàng day dứt.
“Ngươi té có đau không? Tay vẫn ổn chứ?”
Giọng nói dịu dàng như nước chảy. Sau khi khẳng định là nàng đang nói, Bùi Tuyên vui vẻ đáp: “Không sao, cô nương nhìn này, vẫn ổn.”
Nàng ấy vung vẩy hai tay với Thôi Đề.
Bạch Cáp mở mắt ra, rồi lại nhắm mắt, cảm thấy hết nói nổi: Sao tên này giống đồ ngốc vậy? Cô nương nhà nàng không nhìn thấy, hắn không nhận ra à?
Thôi Đề tiếc nuối vì không được nhìn thấy dáng vẻ chọc cười hiếm hoi của hắn trong cả hai kiếp, cũng vui vẻ vì Bùi Tuyên không phát hiện ra mình là một người mù.
Tính Bùi Tuyên kiềm chế tình cảm, không hay lãng mạn. Giai đoạn thiếu niên của hắn rất ngắn, hắn không thích rong chơi, nô đùa, hay ưa dạo hoa lâu, uống rượu với kỹ nữ, trêu chọc hoa khôi như những công tử trẻ tuổi khác.
Trong lúc đám bằng hữu đồng trang lứa đang ‘khua chiêng gióng trống’, mặc sức hưởng thụ, thì Bùi Tuyên đã dốc sức vì nước nhà.
Nàng được gả cho hắn lúc hắn đang là Thám gia tuấn tú, nho nhã, là con trai trưởng tiền đồ vô lượng, nức tiếng Tây Kinh của Bùi gia.
“Vậy thì tốt.”
Trong giọng nói của nàng chất chứa tâm sự, Bùi Tuyên muốn nói mấy câu quan tâm, lại phát hiện ra không biết nên bắt đầu từ đâu. Nàng ấy ngã từ trên tường xuống là đã cực kỳ thất lễ, còn nán lại nữa thì không phải hành vi của người quân tử.
“Cô nương, diều của ta…”
“Con diều này là của ngươi à?” Bạch Cáp không nhịn được mà đáp thay chủ tử: “Mau cầm đi đi, bị người ta nhìn thấy sẽ ảnh hưởng đến thanh danh của cô nương bọn ta!”
Bùi Tuyên đỏ mặt, là vì xấu hổ. Nàng ấy tiến lên mấy bước, nhặt con diều nằm dưới đất lên, lúc xoay người thì hai mắt lại tối sầm xuống.
“Bạch Bạch, ngươi đi lấy cái thang lại đây.”
Bạch Cáp đi lấy thang, vừa đi vừa cảnh giác, sợ ‘hái hoa tặc’ sẽ giở trò với cô nương nhà mình.
Bị nàng nhìn chằm chằm như phòng trộm, Bùi Tuyên tự trách một phen, hối hận vì đã lỗ mãng xông vào tường viện nhà người ta. Nhỡ đâu thanh danh cô nương này bị ảnh hưởng, nàng ấy có chết vạn lần cũng không bù vào được.
Thang được mang đến, nàng ấy ôm diều, không dám nhìn thêm nữa mà leo lên.
Bạch Cáp ‘hừ’ một tiếng: “Bây giờ biết khiếm nhã rồi à? Sao trước đó không như vậy đi?”
Chân Bùi Tuyên bị trượt, suýt nữa nàng ấy lại ngã xuống.
Thôi Đề lo hắn sẽ xảy ra chuyện, dịu dàng nói: “Bạch Bạch, đừng nhiều chuyện.”
Bạch Cáp im lặng, ngoan ngoãn đỡ thang cho ‘tên ngốc’.
Bùi Tuyên chỉ mới lên đến đầu tường, lão bộc trong nhà đã chuẩn bị xong thang để sang đón. Nhìn thấy nàng ấy, tim người kia cũng nhảy lên đến cổ họng: “Lang quân, ngài leo từ từ thôi, thân thể ngài quý giá, nhỡ ngài bị ngã đập đầu thì lão nô phải giải thích thế nào với lão gia đây?”
“Ta đã ngã đập đầu rồi.”
Bạch Cáp ở bên đây tường cũng không kiềm được tính khí trẻ con mà hùa theo một tiếng. Mặt mũi lão bộc trắng bệch, nước mắt sắp trào ra: “Ôi, lang quân ơi!”
Bạch Cáp cười đến cong người.
Nàng ấy nghịch ngợm như vậy, nhưng Thôi Đề không nói gì. Bao nhiêu năm nay, Bạch Cáp đi theo nàng, thật sự đã chịu nhiều khổ cực. Nàng ấy cùng nàng vượt qua năm tháng dài đằng đẵng, che chở nàng, trung thành với nàng, từ lâu nàng ấy đã không còn là nô bộc nữa, mà trở thành muội muội của nàng.
Bùi Tuyên nghe lời lải nhải đến mức hơi đau đầu. Sau khi hai chân đáp xuống đất, nàng ấy quay đầu nhìn bức tường này hồi lâu. Lão bộc lau nước mắt, nhìn nàng ấy đầy khó hiểu: “Lang quân, ngài…”
“Nhỏ tiếng chút.”
Nghe tiểu nha hoàn bên kia tường hỏi sao mình chưa đi nữa, Bùi Tuyên bỗng thấy ngượng ngùng. Nàng ấy ôm diều, đè nhỏ giọng mà giục: “Đi mau, đi mau!”
Sau khi đi vội một đoạn, nàng ấy quay đầu nhìn xung quanh. Rõ là cách một bước tường, không nhìn thấy người, nhưng nàng ấy vẫn thấy như linh hồn nhỏ bé của mình đã lạc sang đó.
“Lang quân, ngài sắp phải thi Đình rồi, chúng ta vẫn nên về nhà sớm rồi tìm một đại phu xem cho ngài! Là thi Đình đó, chúng ta không qua loa được đâu!”
“Ta biết rồi.”
Bùi Tuyên rơi vào một tâm trạng rất kỳ lạ, nàng ấy thấy vừa vui vẻ, vừa bực bội: “Đó là nhà của ai vậy?”
Lão bộc rầu rĩ thở dài, nhìn một lát rồi đáp với vẻ không chắc chắn: “Hình như là phủ đệ của Tây Ninh Bá, nhưng mà tường này nát quá rồi!”
“Nát sao?”
“Nát ạ.”
Bùi Tuyên cẩn thận nhớ lại trang phục và nơi ở của cô nương kia, lập tức nổi lên sự bất mãn to lớn với Tây Ninh Bá: “Nhà họ nghèo lắm à? Sao ông ta lại để nữ quyến ở trong cái viện như vậy?”
“Chuyện đó…” Lão bộc nhỏ giọng: “Nhà Tây Ninh Bá không hề nghèo, hôm nay vợ chồng Bá gia còn bày tiệc lớn mừng sinh nhật con gái, phu nhân cũng có trong danh sách được mời. Nhưng mà, mấy chuyện trong nhà như vậy không phải điều ngài nên quan tâm.”
“Vậy ngươi nói xem ta nên quan tâm chuyện gì?”
“Tất nhiên là quốc gia đại sự rồi! Ngài sắp làm quan, chức Giải nguyên, Hội nguyên đã nằm chắc trong tay ngài. Đợi ngài thi Đình, lấy được chức Trạng nguyên rồi, lang quân sẽ là Trạng nguyên trẻ tuổi nhất Đại Chiêu chúng ta!”
Bùi Tuyên cười, vỗ vào con diều, đi về phía trước: “Ngươi giúp ta tra xem người ở trong viện đó là ai, nói cho ta biết trước kỳ thi Đình. Ta mà làm bài không tốt thì sẽ trách ngươi.”
“Ôi chao?”
Tự dưng bị chụp cho một cái nồi đen, hai mắt lão bộc tối sầm: “Sao ngài lại trách ta? Tổ tông của ta ơi, ngài đừng tùy hứng giúp ta được không? Bao nhiêu người đang mong ngài đỗ đạt đấy!”
“Biết rồi, biết rồi. Ngươi mau đi thăm dò giúp ta đi, trễ một khắc ta cũng không đợi.”
“Tra đây, tra đây ạ!”
Lão bộc bị nàng ấy dọa đến rối tung, quay người được một nửa rồi thì quay về: “Không phải chứ? Lang quân, ngài muốn điều tra người nhà Tây Ninh Bá, là định làm gì?”
“Ta cũng không biết nữa.”
“…”
“Có thể là ta muốn làm quen thôi chăng?”
“Vậy làm quen rồi thì sao?”
Thiếu niên lang cười to: “Thi Đình trước đã, ta mà nghĩ nhiều thế thì tối nay sẽ không ngủ được.”
Chân lão nô mềm nhũn: Sao lời này nghe lại kỳ quặc thế? Rốt cuộc là ngài vừa ý tiểu nương tử hay tiểu lang quân vậy?
*
Chỉ cách một bức tường, nhưng mọi thứ lại khác nhau một trời một vực.
Nơi tiểu viện cũ nát, bên ngoài là nắng xuân ấm áp và thiếu niên y phục sang quý, bên trong lại chỉ có mình Thôi Đề đau khổ chờ đợi trong cô quạnh.
Nàng nghĩ đến Bùi Tuyên, không kiềm được mà bật cười.
Bạch Cáp trợn mắt như gặp quỷ, lại hít một hơi lạnh: “Cô nương, chuyện xảy ra hôm nay là sao vậy? Sao chúng ta vừa trải chiếu ra là có người đến ngay?”
Nụ cười của Thôi Đề càng tươi hơn: “Có thể là… ý trời thôi.”
Cảm tạ trời cao đã cho con gặp hắn lần nữa!
Đây rõ là lời gạt người!
Nàng không muốn nói thì không ai ép nàng được. Bạch Cáp hiếu kỳ nấn ná một hồi, rồi hết hy vọng, lại đột nhiên nhắc nhở: “Cô nương, người đã mười tám tuổi, là đại cô nương rồi, sau này người nhìn thấy nam nhân không được cười với hắn nữa, sẽ bị hiểu nhầm!”
“Hiểu nhầm cái gì?”
“Hiểu nhầm người có ý với hắn đó! Nhỡ đâu người gặp phải một tên háo sắc, hắn sẽ đến đánh người!”
Nàng ấy cố ý nói thành nghiêm trọng, không ngờ Thôi Đề không chỉ không thấy sợ, mà hình như biểu cảm còn có hơi mơ màng.
“Sẽ không đâu.”
“Không gì ạ?”
Thôi Đề nhỏ giọng nói: “Hắn sẽ không xông đến.”
Bạch Cáp cười nàng ngây thơ. Tuổi nàng ấy còn nhỏ hơn Thôi Đề mấy tháng, nhưng lại tự xưng đã gặp nhiều người, biết nhiều chuyện hơn nàng: “Sao lại không ạ? Tri nhân tri diện bất tri tâm, nhỡ hắn là kẻ xấu thì sao?”
“Sao lại thế? Không phải hắn trông rất tuấn tú à?”
Bạch Cáp ấp úng, nói không nên lời.
Thôi Đề cong hàng mày: “Chắc chắn hắn trông rất đẹp, rất hiền lành, nên ngươi mới không lấy chổi đuổi hắn đi.”
“…”
Bạch Cáp nói không lại nàng, nhăn nhó tự đi dọn dẹp, để lại một mình Thôi Đề tự cảm nhận sự tốt đẹp của gió xuân.
Gió thổi dịu dàng, cánh hoa trắng nõn, cô nương lại lấy lụa trắng ra che mắt.
Bùi Tuyên không phải kẻ háo sắc, thậm chí, có lúc, hắn còn không phải nam nhân!
Nam nhân uống rượu say sẽ thừa cơ giở trò với nữ tử, mỗi hắn là trái ngược, chỉ bị cắn một cái đã tỉnh rượu.
Thôi Đề nhàn hạ, cắn lấy môi dưới của mình, nhớ lại lúc đó mình đã dùng bao nhiêu sức.
Thậm chí, nàng còn đang nghĩ, nếu nàng không cắn một cái, Bùi Tuyên có tiếp tục không?
Hay phải nói, liệu hắn có làm đến bước kia không? Phải chăng có quan hệ thật sự, hắn mới có thể yêu nàng?
Bạch Cáp cho là nàng không hiểu.
Thật ra, nàng hiểu hết.
Những thứ mà nàng hiểu cũng là nhờ Bạch Cáp ở kiếp trước ‘cưỡng chế’, ‘rót’ vào tai nàng, sau đó Bùi Tuyên lại đối xử với nàng rất tốt, tốt đến mức nàng chẳng cần đền ơn, một lòng muốn lấy thân báo đáp, sinh con dưỡng cái cho hắn.
Sau khi trải qua lo lắng ‘có khi nào mình sẽ sinh cho Bùi Tuyên một đứa bé bị mù’ không, cuối cùng nàng cũng lấy hết dũng khí, tha thiết muốn thân cận chồng.
Nhưng chồng nàng ‘thanh tâm quả dục’, càng khiến nàng thấy mình chẳng khác gì một nữ nhân không đứng đắn!
Nàng không vui, Bùi Tuyên lại đến dỗ dành.
Thôi Đề khép hai gối lại, một tay chống cằm, nghĩ thầm: Bùi Tuyên thật là đáng ghét!