Biệt viện của Vệ Chỉ được thiết kế đặc biệt bởi một người làm vườn bậc thầy ở phía nam, mất một thời gian dài và gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi ở kinh thành, cuối cùng nó đã được hoàn thành vào tháng 10. Nàng đã sớm bắt đầu chuẩn bị yến hội này, tất cả những đệ tử trẻ tuổi, văn nhân nhã sĩ trong kinh đều có thiệp mời, ngược lại các quan lại trong triều đình lại không có một tấm thiệp mời nào. Nàng ấy rốt cuộc từng là người có quyền thừa kế, chảy trong người dòng máu của hoàng tộc, nên vẫn phải tránh những điều nên cấm kỵ, hơn nữa nàng ấy cũng không thực sự muốn nhìn thấy những bộ mặt ngạo mạn đó.
Cũng chính vì vậy, nàng ấy đánh bạo tự mình đưa một tấm thiệp mời vào trong cung, cầu Vệ Kỷ đến dự yến tiệc.
“A tỷ, đến đây đi, vườn là cố ý mô phỏng theo hình thức của phía nam, trong kinh chỉ có một nhà, yến tiệc đêm nay sẽ có đèn hoa đăng, những chiếc đèn hoa đăng độc đáo đến từ khắp nơi. Tỷ mệt mỏi lâu như vậy, nghỉ ngơi một chút không tốt sao?”
Vệ Kỷ bị nàng ấy quấn đến đau đầu: “Bị bọn họ biết tấu chương của Ngự sử cũng đủ để nhấn chìm trẫm.”
“Tỷ cải trang vi hành là được mà, những người mà thần mời đều là đệ tử và văn nhân chưa làm quan, hơn nữa yến tiệc vào buổi đêm, có mấy người có thể nhận ra tỷ.”
“Để trẫm suy nghĩ một chút.” Vệ Kỷ bất đắc dĩ nói. Bị Vệ Chỉ náo loạn, nàng ấy cũng có chút động tâm, đáng tiếc nàng ấy công việc bận rộn, không biết ngày hôm đó còn có bao nhiêu thời gian.
Đúng như dự đoán, gần đến ngày yến tiệc, Vệ Kỷ bận rộn đến đầu óc choáng váng, hơi rảnh rỗi lại bị tấu chương Ngự Sử Đài nháo đến phiền lòng – – mấy Ngự Sử cùng nhau viết tấu chương thỉnh cầu bệ hạ chọn một người con trai trong một gia tộc tốt vào cung để thừa nhận ân huệ của nàng ấy. Nàng ấy thật sự có chút chán ghét đám ngôn quan này, mỗi ngày đều nói những lời khiến nàng ấy khó chịu.
“Đại giám, đi Ngự Sử Đài tuyên Cao Khanh.”
Ngự Sử Đài tân nhiệm Ngự Sử đại phu là một lão đầu tử, tuổi còn lớn hơn so với Hàn Trọng Tư đời trước, ông ấy đã phục vụ qua tam triều, ngay cả quan lại nhất phẩm cũng phải kính ông ấy ba phần. Vệ Kỷ lôi ông ấy ra đặt ở Ngự Sử Đài đơn thuần là vì muốn chiếm giữ vị trí này, để cho Cao Vân Cừu có thể thể hiện được kỹ năng của mình, cũng không trông cậy vào việc ông ấy quản việc của Ngự Sự Đài. Ông ấy cũng biết ý của bệ hạ, mỗi ngày chỉ đến Ngự Sử Đài điểm danh, không quan tâm đến bất cứ điều gì khác.
Cao Vân Cừu tiếp nhận khẩu dụ, vội vàng đi vào trong cung. Vệ Kỷ cho nàng ấy xem tấu chương của Ngự Sử Đài, ý định ban đầu là muốn Cao Vân Cừu nghĩ biện pháp quản lý Ngự Sử Đài, cũng không ngờ tới Cao Vân Cừu lại nghiêm mặt, kính cẩn nói: “Bệ hạ tựa hồ có chút thành kiến với Ngự Sử Đài?”
“Trẫm chỉ là có chút phiền nhiễu.”
“Bệ hạ, Cao Tổ thiết lập Ngự Sử Đài là để giám sát đế vương, giám sát bách quan, là vì tấm lòng chính trực của đế vương và tấm lòng trung thành của quan đại thần. Hiến Đài* giống như một tấm gương, có thể hiển thị được và mất. Nếu quan can giám mù quáng làm theo ý đế vương thì chỉ là kẻ nịnh bợ, sao có thể được coi là tấm gương? Lời nói trung thành chướng tai, chính là bởi vì quan can gián trung thành với bệ hạ nên mới lên mới dám nói ra lời can giám với bệ hạ.”
*宪台: Hiến Đài: Nó có ý nghĩa là tên công thự. Vào thời nhà Hán, nơi ở chính thức của Ngự Sử Đài được gọi là Hiến Đài. Vào năm thứ hai đời Đường Long Sóc (662), Ngự Sử Đài được đổi tên thành Hiến Đài.
“Thần từng nói rằng nếu bệ hạ muốn nắm được đại quyền trong tay thì không nên chắp tay nhường đường cho người khác, nguyên do chính là ngôn quan trước hết phải trung thành với xã tắc, trung thành với quân thượng, mà không phải lợi ích của riêng một người một đảng. Người làm quan can giám nên là người trung trực, mà không phải là người a dua nịnh hót. Người như vậy tự nhiên chỉ biết làm việc theo công lý, làm sao có thể chịu chấp nhận nhận làm việc theo sắc mặt đây?”
“Người xưa có câu: Quân tử bất dĩ ngôn cử nhân, bất dĩ nhân phế ngôn*. Mong bệ hạ minh giám.”
*君子不以言举人,不以人废: Một câu nói của Khổng Tử ý chỉ người quân tử sẽ không căn cứ vào lời nói, ngôn luận mà tiến cử lựa chọn nhân tài. Cũng sẽ không vì một người nào đó có khuyết điểm, sai lầm mà phế bỏ, không tiếp thu lời nói, ngôn luận của họ.
Vệ Kỷ có chút không cho là đúng, nghe xong liền nghiêm mặt: “Là trẫm vênh váo, ái khanh nói đúng.”
Nàng ấy có chút rối bời do dự nói: “Cao khanh biết ý trẫm, trẫm tạm thời còn chưa muốn đại hôn.”
Cao Vân Cừu suy nghĩ một chút nói: “Bệ hạ năm nay đã hai mươi lăm tuổi, hậu cung vẫn trống không, chư thần lo lắng về chuyện con nối tự.”
“Vậy… vậy thì vẫn còn hơi sớm.” Vệ Kỷ ngượng ngùng nói.
“Bệ hạ cứ coi như bọn họ phòng ngừa chu đáo đi.” Cao Vân Cừu dừng một chút, lại nói, “Thần cũng chưa đại hôn, xuất phát từ nhân tình, thần hiểu ý của bệ hạ. Nhưng xuất phát từ lòng trung thành của thần tử, thần vẫn phải nhắc nhở bệ hạ, nên sớm tính toán một chút.”
“Trẫm biết rồi.”
Thấy các nàng gần như đã trò chuyện xong, đại giám đến gần ra hiệu cho Vệ Kỷ.
“Không sao đâu, đại giám có chuyện gì cứ nói thẳng.” Vệ Kỷ nhìn bà ấy một cái nói.
“Trưởng công chúa phái người tới ba lần, thúc giục bệ hạ mau đi dự yến tiệc.” Đại giám trả lời.
Cao Vân Cừu nghe vậy vội nói: “Vậy vi thần xin cáo lui, không quấy rầy nhã hứng của bệ hạ nữa.”
Vệ Kỷ suy nghĩ một chút, gọi nàng ấy lại: “Khoan đã, Cao khanh đi với trẫm đi?”
“Việc này… Thần nghe nói trưởng công chúa bày yến tiệc cũng không mời quan lại trong triều đình.” Sắc mặt của Cao Vân Cừu có chút khó xử.
“Việc này không thành vấn đề, ngươi cùng trẫm cải trang đi trước đi.” Vệ Kỷ trong mắt mang theo nụ cười, kiên trì cố ý kéo nàng ấy xuống nước.
“Vậy thần cũng không tiện mặc công phục đi?” Cao Vân Cừu bất đắc dĩ nói.
“Ha ha, đại giám mau chuẩn bị thường phục cho Cao khanh.”
Cao Vân Cừu không còn cách nào khác ngoài việc đồng ý. Khi đến thiên điện thay quần áo, nàng ấy mới phát hiện ra thứ mà đại giám chuẩn bị chính là một bộ váy và một chiếc trâm cài tóc. Nàng ấy làm quan từ khi còn trẻ, vì không muốn bị người ta coi thường, quần áo hằng ngày phần lớn là buộc tóc rồi đội mũ, ăn mặc chỉnh tề rất ít khi mặc váy. Sau khi thay quần áo và búi tóc lên, nàng ấy bước ra ngoài và phát hiện bệ hạ cũng đang mặc như một cô nương bình thường. Hai người nhìn nhau, cả hai đều cảm thấy mình trẻ ra rất nhiều.
“Cao khanh ăn mặc như tiên nhân, thanh nhã không gì sánh bằng.” Vệ Kỷ cười nói.
“Bệ hạ cũng vậy.”
Cao Vân Cừu là thần tử được coi trọng hiện nay, Phương Giám xem như hậu bối của Cao Vân Cừu, lại nổi tiếng ở Quốc Tử Giám, vì vậy đương nhiên Vệ Chỉ sẽ không quên chuẩn bị thiệp mời cho nàng.
Vì vậy, sau giờ học ngày hôm đó, dưới sự chỉ đạo của Thôi Miêu thay đổi một thân thường phục không mất đi lễ nghĩa, Phương Giám liền đi theo Thôi Miêu đến biệt viện của trưởng công chúa. Như người trên phố vẫn nói, biệt viện này của trưởng công chúa chiếm diện tích không lớn, nhưng bên trong như có một thế giới độc đáo, có núi đá kỳ lạ, bên cạnh đình các thì có rừng trúc tươi tốt, vừa lịch sự lại vừa trang nhã. Đến ban đêm, nhiều chiếc đèn lồng được thắp lên lấp lánh rực rỡ. Đó hoàn toàn là một cảnh tượng mà Phương Giám chưa từng thấy trước đây.
Phương Giám và Thôi Miêu ngồi ở một chỗ, xung quanh có rất nhiều học trò của Quốc Tử Giám, Thôi Miêu giao du rất rộng bạn bè có mặt ở khắp nơi, suốt một đường đi vào nàng ấy đã giới thiệu cho Phương Giám làm quen không biết bao nhiêu người. Lúc này vừa mới mở tiệc thì đã không thấy bóng dáng của nàng ấy đâu. Phương Giám nghĩ rằng có lẽ là nàng ấy đang đi tìm bằng hữu để cùng nhau uống rượu, thêm nữa bên người nàng ấy hầu hết là đồng môn, cùng nhau làm thơ thưởng họa, ngược lại coi như khá thoải mái nàng không đi tìm nàng ấy nữa.
Qua ba tuần rượu, bầu không khí trong bữa tiệc được đẩy lên cao trào là do các văn nhân tổ chức cuộc thi đấu thơ, bạn cùng lớp mỉm cười hỏi nàng có muốn thử không, Phương Giám lắc đầu từ chối, nên bạn cùng lớp cũng không cưỡng cầu nàng nữa, tự mình đi chơi. Phương Giám ngồi một mình trong bữa tiệc nhìn từ xa không hề cảm thấy nhàm chán chút nào.
Đột nhiên, nàng nhìn thấy có hai nữ tử khiêm tốn đi vào cửa, nàng chăm chú nhìn qua trong lòng cảm thấy chấn động, một người trong đó đúng là Cao Vân Cừu. Nàng ấy hiếm khi nhìn thấy Cao Vân Cừu mặc váy, chiếc váy sáng màu và trang điểm phù hợp thực sự khiến nàng ấy mất đi vẻ nghiêm nghị kiêu ngạo và có vẻ dịu dàng động lòng người.
Phát hiện có người đang nhìn chăm chú vào mình, Cao Vân Cừu dùng ánh mắt sắc bén nhìn về phía nàng, Phương Giám quen nhất với bộ dáng nghiêm khắc của nàng ấy, cũng không dời ánh mắt đi. Cao Vân Cừu nhìn thấy là nàng, vẻ mặt lập tức thả lỏng, ngược lại gợi lên một nụ cười nhợt nhạt, điều này làm cho Phương Giám cảm thấy mềm lòng. Hai người xa xa nhìn nhau một lát lại không hẹn mà cùng dời tầm mắt đi. Ngắn ngủi vài giây, nhịp tim của Phương Giám gần như ngừng đập, nàng chưa bao giờ rõ ràng ý thức được rằng Cao Vân Cừu cũng là một nữ nhân yểu điệu duyên dáng và xinh đẹp tuyệt trần.
“Lữ Sương?” Vệ Kỷ tiến lên phía trước hai bước, thấy Cao Vân Cừu không đuổi kịp, liền quay đầu nghi hoặc nhìn nàng, gọi một tiếng tên tự của nàng ấy.
“Đến đây.” Cao Vân Cừu hoàn hồn đuổi theo.
“Ngươi đang nhìn ai vậy?” Vệ Kỷ tò mò hỏi.
“Học trò ở trong nhà thôi.”
“Ngươi thu nhận học trò? Là ai mà có thể lọt vào mắt xanh của ngươi? “Vệ Kỷ đã hỏi câu hỏi tương tự như Đới Diệu trước đây.
“Nếu không có chuyện gì bất ngờ xảy ra thì ba năm sau ngài sẽ nhìn thấy nàng ấy.” Cao Vân Cừu cười cười nói.
“Tự tin như vậy? Ta đây mỏi mắt mong chờ.”
Khi bữa tiệc kết thúc, Phương Giám làm thế nào cũng không tìm thấy Thôi Miêu nên nàng đã để lại lời nhắn cho một vị cung nhân, nói rằng nếu nàng ấy hỏi thì nói nàng đã trở về phủ rồi. Sau đó nàng rời khỏi sảnh đường để tìm Cao Vân Cừu. Cao Vân Cừu cũng đang đợi nàng. Phương Giám từ xa đã nhìn thấy Cao Vân Cừu đang đứng ở ngoài sảnh đường, có lẽ là uống chút rượu nên trông có vẻ nàng ấy đứng không vững, không giống như ngày thường thắt lưng thẳng tắp. Vị tiểu nương tử đi cùng nàng ấy kia cũng không có ở đây, chắc hẳn nàng ấy đã về rồi. Phương Giám đi nhanh vài bước đến bên cạnh nàng ấy.
“Đến rồi? Đi thôi.” Không biết có phải do cách trang điểm yểu điệu thục nữ quá hay không mà Cao Vân Cừu nói chuyện đều mang theo vài phần mềm mại.
Phương Giám đi theo phía sau nàng ấy, nhìn mấy sợi tóc sau gáy chưa được buộc gọn gàng và chiếc cổ thon dài của nàng ấy có chút bối rối.
Ngoài biệt viện, A Viên đã đợi sẵn trên xe ngựa. Các nàng lên xe ngựa, Cao Vân Cừu ngồi ghế chính, Phương Giám kéo vạt áo quỳ xuống dưới chân nàng ấy. Cao Vân Cừu thuận tay sờ sờ gáy của nàng, cười hỏi: “Sao nàng cứ nhìn chằm chằm vào ta vậy?
“Đại nhân trông thật đẹp mắt.” Phương Giám nhíu mày giấu đi sự xấu hổ trong đáy mắt.